Philippines khuyến cáo sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi của Việt Nam

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp Philippines khuyến cáo người dân dùng vacxin dịch tả lợn Châu Phi do Việt Nam sản xuất trước tình hình dịch bệnh phức tạp.

Vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã được cấp phép lưu hành vào ngày 8/7/2022 và đưa vào sử dụng có giám sát tại các trang trại chăn nuôi lợn. Ảnh: Linh Linh.

Vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã được cấp phép lưu hành vào ngày 8/7/2022 và đưa vào sử dụng có giám sát tại các trang trại chăn nuôi lợn. Ảnh: Linh Linh.

Trong cuộc họp báo tại văn phòng chính của Bộ Nông nghiệp Philippines tại thành phố Quezon, trợ lý giám đốc Cục Thú y Arlene Vytiaco cho biết, cơ quan gấp rút giải quyết các vấn đề liên quan đến vacxin dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF do Việt Nam sản xuất.

“Chúng tôi đã chuẩn bị thư xác nhận gửi FDA về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm vì vacxin thuộc thẩm quyền của cơ quan này. Sau khi FDA cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất vacxin, nhà cung cấp Philippines sẽ được phép nhập khẩu vacxin từ Việt Nam”, bà Vytiaco cho biết.

Lãnh đạo Cục Thú y lưu ý, việc ban hành giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm (CPR) không những là một trong những yêu cầu của nhà sản xuất mà còn giúp chứng nhận việc phát hành thương mại vacxin trong nước.

Bà Vytiaco cho biết thêm: “Các thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả ở Luzon cho thấy những con lợn được tiêm đã tạo ra 100% kháng thể và không có tác dụng phụ đối với vật nuôi".

Giới chức thú y Philippines kỳ vọng FDA sẽ ban hành giấy CPR vì nhiều khu vực của nước này cũng đang chờ nguồn cung cấp vacxin.

AVAC là vacxin tiêm một lần cho lợn từ 4-10 tuần tuổi. Các hướng dẫn về việc triển khai vacxin dự kiến sẽ được công bố sau khi FDA cấp Giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm.

Đại diện Cục Thú y cho biết thêm, việc mua vacxin dịch tả lợn Châu Phi là không bắt buộc, nhưng cơ quan này khuyến khích người chăn nuôi lợn sử dụng sau khi vacxin được phép bán trên thị trường.

Chi tiết về giá của vacxin vẫn chưa được công bố nhưng Bộ Nông nghiệp Philippines đảm bảo giá thành sẽ hợp lý để những nông hộ nhỏ lẻ cũng có thể tiếp cận với vacxin này.

 

Tiến sĩ Janice Garcia, điều phối viên cụm của Chương trình Kiểm soát và Phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi Quốc gia của Cục Thú y Philippines cho biết, từ ngày 1/6 đến nay đã có 15 tỉnh thông báo về các trường hợp nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

“Dữ liệu này là từ ngày 15/5 đến ngày 1/6. Trong hai tuần qua, các ca bệnh chỉ giới hạn ở Visayas. Ở Luzon và Mindanao chỉ phát hiện vài trường hợp” bà Garcia nói thêm.

Trước đó, Cục Thú y đã công bố kết quả thành công 100% khi thử nghiệm vacxin AVAC ASF LIVE tại 6 trang trại ở Luzon.

Từ 1/6 đã có 15 tỉnh tại Philippines thông báo về các trường hợp nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Linh Linh.

Từ 1/6 đã có 15 tỉnh tại Philippines thông báo về các trường hợp nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Linh Linh.

Bà Vytiaco cho biết: “Sau 21 ngày thử nghiệm trên thực địa, 100% số lợn được tiêm phòng đã tạo ra kháng thể chống lại dịch tả lợn Châu Phi, điều đó có nghĩa là chúng sẽ được bảo vệ khỏi dịch này”.

Bà cũng cho rằng vacxin dịch tả lợn Châu Phi sẽ giúp ích trong chiến dịch của chính phủ nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

“Đây sẽ là sự hỗ trợ đáng ghi nhận trong việc kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi vì chúng tôi biết rằng sự bùng phát của căn bệnh này vẫn tiếp diễn, vì vậy nhiều bên liên quan đến ngành chăn nuôi lợn đang chờ đợi một loại vacxin hiệu quả chống lại ASF”, bà Vytiaco cho biết.

Cục Thú y Philippines cho biết, hiện đơn vị mới chỉ được cấp hạn ngạch 600.000 liều cho năm 2023. Đó là lý do tại sao cơ quan này đang cố gắng đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm vì nhiều quốc gia cũng đang chờ vacxin.

“Việt Nam sẽ không cung cấp 600.000 liều trừ khi nhà cung cấp có thể đảm bảo giấy phép cần thiết từ Chính phủ,” bà Vytiaco nhấn mạnh.

Theo: nongnghiep.vn