Bà Rịa – Vũng Tàu: Sẽ sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi từ năm 2024

[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Hiện có 2 loại vắc xin AVAC ASF LIVE (Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam) và NAVET-ASFVAC (Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương 2 – NAVETCO) được cấp phép lưu hành và qua thực tế đã chứng minh được hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi.

Dự kiến, sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ chính thức đưa vào sử dụng trong năm 2024. Đó là phát biểu của ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tại hội thảo “Phổ biến kỹ thuật và triển khai các biện pháp sử dụng vắc xin Dịch tả heo Châu Phi”.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y phát biểu khai mạc hội thảo

 

Ngày 18/8/2023, tại thành phố Bà Rịa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam tổ chức hội thảo “Phổ biến kỹ thuật và triển khai các biện pháp sử dụng vắc xin Dịch tả heo Châu Phi AVAC ASF LIVE”. Gần 100 địa biểu đại diện cho các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo và cơ sở, đại lý kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh tham dự.

 

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đã trình bày các nội dung về tình hình nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vắc xin AVAC ASF LIVE; đặc tính kỹ thuật và cách thức sử dụng loại vắc xin này.

 

Được biết đây là vắc xin nhược độc, đông khô. Vi rút vắc xin được nhược độc hóa bằng phương pháp cắt bỏ gen độc và nuôi trên môi trường tế bào dòng DMAC do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam tự phát triển, được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận lưu hành vào ngày 08/7/2022. Vắc xin chỉ sử dụng trên đối tượng heo thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên, với liều dùng 2 ml/con, chỉ dùng một liều và sau 2 đến 4 tuần, heo bắt đầu được bảo hộ và thời gian bảo hộ kéo dài ít nhất 5 tháng.

TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AVAC Việt Nam, báo cáo tại hội thảo

Kể từ khi được cấp phép lưu hành đến nay, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đã phối hợp và tổ chức tiêm được 605.211 liều vắc xin cho heo thịt từ 4 tuần tuổi tại 596 cơ sở, trang trại có quy mô khác nhau tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau quá trình sử dụng, heo được tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi có tỷ lệ kháng thể đạt từ 93,34%, heo khỏe mạnh, phát triển bình thường và không phát hiện biểu hiện bất thường liên quan đến vắc xin kể từ khi tiêm phòng cho đến lúc xuất bán. Đặc biệt, trong tháng 7 năm 2023, Công ty đã xuất khẩu sang Philippines 300.000 liều vắc xin để phòng chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi đang gây thiệt hại nặng nề cho nước này.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã từng phát biểu “Việc sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi là niềm tự hào của những người làm khoa học, những người làm quản lý của Việt Nam, là công cụ quan trọng để Việt Nam phát triển đàn heo trong thời gian tới và vaccine không chỉ đáp ứng cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới”.

 

Hy vọng trong thời gian tới, để chủ động phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi và sử dụng vắc xin Dịch tả heo Châu Phi an toàn và hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép sử dụng vắc xin Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Thịnh Đức Minh
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 

Hiện nay tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh là khoảng 7,2 triệu con các loại, trong đó: tổng đàn heo 400.000 con; tổng đàn gia cầm 6,648 triệu con; tổng đàn trâu bò 54.670 con và tổng đàn dê, cừu 96.104 con.

 

Cơ cấu đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh được đánh giá là ổn định và phát triển đúng định hướng theo Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Cụ thể, theo chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh, heo và gia cầm là vật nuôi chủ lực, duy trì tổng đàn ổn định khoảng 400.000 con heo và 6,5 triệu con gia cầm; song song đó tổ chức duy trì và tăng số lượng vật nuôi ít bị tác động bởi việc tăng giá thức ăn chăn nuôi như trâu, bò và dê, cừu tại các địa phương có điều kiện thuận lợi về đất đai.

 

Đối với tổng đàn vật nuôi như hiện tại, đảm bảo không những đủ cung cấp nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh mà còn có khả năng cung cấp từ 40 – 60% sản lượng cho nhu cầu của người tiêu dùng các tỉnh, thành phố lân cận. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt 4,47%, vượt so với chỉ tiêu được giao 4,20%.